Bệnh dại do một loại vi vút tấn công não và hệ thần kinh của động vật có vú gây ra, là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm vì y học vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên gần như động vật nhiễm bệnh sẽ tử vong. Tin tốt là thú cưng của bạn có thể được bảo vệ khỏi bệnh dại. Tất cả những gì bạn cần làm là cho chúng tiêm vắc xin phòng bệnh.
1. Chó mèo có thể bị nhiễm bệnh dại như thế nào?
Chó mèo mắc bệnh dại là do bị cắn hoặc tiếp xúc với nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh. Khi vi rút bệnh dại xâm nhập vào cơ thể chó mèo, nó sẽ di chuyển lên não và tấn công hệ thần kinh. Mặc dù chúng ta thường nghĩ rằng bệnh dại có dấu hiệu ngay lập tức, nhưng tùy thuộc vào vị trí mà thú cưng bị cắn trên cơ thể, có thể mất từ 3-12 tuần (đôi khi lâu hơn) để các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, một khi các triệu chứng bắt đầu, chúng sẽ xuất hiện đột ngột và dễ nhận thấy.
Các dấu hiệu chó mèo mắc bệnh dại
- Khó thở, khó nuốt, tiết nhiều nước bọt
- Sốt
- Nôn mửa, bỏ ăn
- Mất điều hòa, co giật, lè lưỡi ra ngoài
- Tê liệt nằm yên một chỗ (thể liệt) hoặc hung hăng, tự cắn xé bản thân, cắn người, cắn con vật khác, chạy rông (thể cuồng)
2. 5 sự thật về bệnh dại ở chó mèo ít được biết đến
2.1. Bệnh dại trên mèo khó phát hiện hơn trên chó
Bệnh dại trên mèo khó phát hiện hơn trên chó vì nó có thể diễn ra thầm lặng. Không những vậy, bạn có thể nghĩ rằng chó là động vật mắc bệnh dại phổ biến nhất trong các loài vật nuôi trong nhà, nhưng mèo bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao hơn nhiều so với chó. Theo một báo cáo, kể từ năm 1990, mèo là loài vật nuôi trong nhà bị bệnh dại được báo cáo thường xuyên nhất (tiếp theo là chó). Điều này là do nhiều người nuôi mèo không tiêm vắc xin phòng dại cho mèo của họ.
2.2. Chó mèo chỉ nuôi trong nhà vẫn có thể mắc bệnh dại
Ngay cả chó mèo được nuôi trong nhà nghiêm ngặt cũng có thể lẻn ra khỏi nhà và bị một con thú hoang lây nhiễm bệnh dại. Không những vậy, chó mèo của bạn cũng có khả năng tiếp xúc với chó mèo nhiễm dại còn ủ bệnh chưa khởi phát khi chúng đến nhà chơi hoặc tại các nơi công cộng như spa cho thú cưng. Dơi – động vật mắc bệnh dại phổ biến cũng có thể xâm nhập vào nhà bạn và trở thành mục tiêu săn mồi hấp dẫn cho mèo trong nhà.
2.3. Nhiễm vi rút bệnh dại ở chó mèo hầu như luôn gây tử vong
Chỉ một tỷ lệ nhỏ động vật mắc bệnh dại sống sót. Khi một con vật bị nghi ngờ mắc bệnh dại được đến bác sĩ thú y, sẽ có hai lựa chọn: Tiêu hủy hoặc cách ly chúng. Dù bạn quyết định cách ly thú cưng của mình thì vẫn có rất ít cơ hội giúp chúng sống sót. Một khi thú cưng có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh thì khả năng sống sót là không cao.
2.4. Không có xét nghiệm bệnh dại ở động vật sống
Cách duy nhất để chẩn đoán chính xác bệnh dại là thông qua xét nghiệm mô não sau khi con vật đã chết và cách duy nhất để xác định xem một động vật sống có mắc bệnh dại hay không là cách ly chúng và chờ các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng xuất hiện.
2.5. Không có phương pháp điều trị có sẵn cho bệnh dại
Một khi thú cưng bị nhiễm bệnh dại, bác sĩ thú y không thể đưa ra bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào. Cách duy nhất để thực sự cứu thú cưng của bạn khỏi bệnh dại là ngăn không cho chúng mắc bệnh dại ngay từ đầu bằng cách tiêm vắc xin.

Dưới đây là 3 biện pháp đơn giản phòng khám Thú Y Tên Lửa khuyên bạn thực hiện để giữ cho chó mèo của bạn an toàn khỏi bệnh dại:
- Bước đầu tiên, tốt nhất và dễ dàng nhất luôn là phòng ngừa. Đảm bảo rằng tất cả chó mèo của bạn được tiêm phòng bệnh dại. Liên hệ ngay với phòng khám thú y để được tư vấn loại thuốc và lịch trình tiêm phù hợp.
- Ngăn chặn chó mèo của bạn tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc vật nuôi chưa được tiêm phòng.
- Giữ nguồn thức ăn cho chó mèo ở bên trong nhà để ngăn động vật có khả năng mắc bệnh dại đến gần thức ăn và lây truyền bệnh.