Các vấn đề về đường hô hấp trên xảy ra khá phổ biến ở mèo và thường do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Trong số đó phải kể đến bệnh Calicivirus ở mèo hay còn gọi là bệnh FCV, gây ra hơn 50% ca nhiễm trùng đường hô hấp.
1. Bệnh Calicivirus ở mèo là gì?
Calicivirus là một loại vi rút gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và bệnh răng miệng ở mèo. Vi rút này lây nhiễm cho mèo trên khắp thế giới và có thể gây bệnh ở cả mèo được nuôi nhốt kỹ trong nhà. Mặc dù không có cách điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này, hầu hết mèo đều hồi phục hoàn toàn với sự chăm sóc, hỗ trợ. Tuy vậy, vẫn có nhiều con mèo sau khi bị nhiễm sẽ trở thành vật mang vi rút không có triệu chứng suốt đời.
Nếu mèo của bạn có vẻ như bị cảm lạnh nặng nhưng lại có vết lở loét trong miệng hoặc trên mũi thì khả năng rất cao, mèo đã bị nhiễm bệnh FCV.
2. Nguyên nhân mèo lây bệnh Calicivirus ở mèo
Calicivirus rất dễ lây lan và biến đổi nhanh chóng. Những con mèo bị nhiễm bệnh có thể thải vi rút vào nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi và mắt. Nếu một con mèo bị nhiễm bệnh hắt hơi, các hạt vi rút có thể được phun ra vài mét trong không khí.
Vi rút có thể tồn tại tới một tuần trong môi trường bị ô nhiễm (và có thể lâu hơn ở nơi mát mẻ, ẩm ướt). Những con mèo nhạy cảm có thể bị nhiễm trùng khi tiếp xúc trực tiếp với một con mèo bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm dịch tiết truyền nhiễm.
Mặc dù mọi con mèo có thể bị nhiễm bệnh FCV nhưng các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn ở mèo con. Mèo con được sinh ra từ mèo mẹ mang mầm bệnh FCV cũng sẽ lây nhiễm bệnh.
3. Triệu chứng và biến chứng của bệnh Calicivirus ở mèo
Calicivirus gây ra các dấu hiệu lâm sàng điển hình của nhiễm trùng đường hô hấp trên liên quan đến mũi và họng như hắt hơi, nghẹt mũi, viêm kết mạc (viêm màng lót mí mắt) và chảy dịch từ mũi hoặc mắt. Dịch có thể trong hoặc chuyển sang màu vàng hoặc xanh lá cây.
Ngoài những triệu chứng điển hình này, mèo bị nhiễm Calicivirus thường bị loét trên lưỡi, nướu, môi hoặc mũi, vòm miệng cứng. Những con mèo này thường tiết nước bọt quá mức vì vết loét rất đau. Các dấu hiệu không đặc hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm chán ăn, thờ ơ, sốt, hạch to và lác mắt.

Một số chủng Calicivirus có thể khiến mèo nhiễm bệnh đột ngột bị đau què ở một hoặc nhiều khớp. Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở mèo con. Mặc dù hiếm gặp, nhưng có một chủng Calicivirus (VS-FCV) ở mèo gây ra bệnh toàn thân nghiêm trọng. Các triệu chứng ban đầu liên quan đến mắt, mũi và miệng, nhưng mèo bị nhiễm bệnh nhanh chóng bị sốt cao, suy nhược, phù chân và (hoặc) phù mặt, vàng da cùng các triệu chứng của bệnh đa cơ quan. Chủng này có khả năng lây nhiễm cao và tỷ lệ tử vong được báo cáo lên tới 67%.
4. Bệnh Calicivirus ở mèo kéo dài bao lâu?
Khi một con mèo tiếp xúc với Calicivirus, nó sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2-6 ngày trước khi phát triển các dấu hiệu lâm sàng. Các dấu hiệu này thường kéo dài khoảng 14-21 ngày.
Trong toàn bộ thời gian này, mèo sẽ có khả năng lây nhiễm cho những con mèo khác. Ở mức tối thiểu, những con mèo bị nhiễm bệnh sẽ bài tiết vi rút trong vòng 2-3 tuần. Sau khi khỏi bệnh, có tới 50% số mèo bị nhiễm bệnh có thể phát triển thành trạng thái mang mầm bệnh và tiếp tục phát tán vi rút. Ở những con mèo này, trạng thái mang mầm bệnh có thể chỉ kéo dài trong vài tháng, nhưng ở một số ít mèo, trạng thái này tồn tại suốt đời. Mèo mang mầm bệnh có thể có hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào dù vẫn là nguồn lây nhiễm cho những con mèo nhạy cảm.
5. Điều trị mèo bị nhiễm bệnh Calicivirus như thế nào?
FCV thường phức tạp do nhiễm trùng thứ phát. Hầu hết những con mèo bị nhiễm Calicivirus không biến chứng do nhiễm trùng có thể được điều trị triệu chứng tại nhà. Bác sĩ thú y có thể kê đơn thuốc bôi mắt nếu mèo của bạn bị chảy mủ mắt (xanh/ vàng).
Mặc dù nhiễm vi rút không đáp ứng với thuốc kháng sinh, nhưng thuốc kháng sinh phổ rộng có thể được kê đơn nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn làm phức tạp bệnh, đặc biệt là ở mèo con.
Thuốc chống viêm có thể được bác sĩ thú y của bạn cho dùng để giảm các triệu chứng khập khiễng. Những con mèo bị loét dai dẳng có thể được áp dụng phương pháp điều trị hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Mèo bị nghẹt mũi hoặc đường thở sẽ được cho xông khí dung. Để giảm thiểu kích ứng do dịch tiết ra, bạn nên lau sạch chúng khỏi mặt hoặc mắt mèo bằng khăn giấy ẩm. Vì mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị giảm khứu giác nên chúng thường giảm cảm giác thèm ăn. Vậy nên, hãy cho mèo ăn thức ăn hơi ấm, dễ ăn có thể giúp cải thiện cảm giác thèm ăn của chúng. Trong một số trường hợp, thuốc kích thích thèm ăn có thể được kê đơn.
Nếu mèo bị mất nước, suy nhược hoặc bị bệnh nặng, bác sĩ thú y sẽ đề nghị nhập viện để điều trị tích cực hơn, bao gồm truyền dịch tĩnh mạch và các phương pháp khác.
6. Tiêm phòng bệnh Calicivirus cho mèo
Vắc xin cốt lõi 4 bệnh tiêu chuẩn được tiêm cho mèo sẽ bao gồm chủng ngừa bệnh Calicivirus, giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như rút ngắn thời gian mắc bệnh nếu mèo tiếp xúc vi rút.
Những con mèo chưa được tiêm phòng, còn nhỏ hoặc mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn sẽ dễ mắc bệnh hơn và có thể mắc bệnh nghiêm trọng. Đối với hầu hết các chủng Calicivirus, mèo trưởng thành trên 3 tuổi hoặc mèo đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ có khả năng chỉ mắc bệnh nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Vì vây, đừng để con mèo của bạn ở bên ngoài hoặc xung quanh những con mèo khác cho đến khi chúng được tiêm phòng đầy đủ.