Ho cũi chó là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, rất dễ lây lan ở chó, có thể do một số loại vi rút và vi khuẩn gây ra. Bệnh có tên là “ho cũi chó” vì triệu chứng chính của nó là ho khan và khàn không thể nhầm lẫn ở chó.
1. Bệnh ho cũi chó là gì?
Ho cũi chó là một thuật ngữ rộng thường được sử dụng để mô tả bất kỳ tình trạng nhiễm trùng hoặc truyền nhiễm nào ở chó mà ho là một trong những dấu hiệu lâm sàng chính. Nó còn được gọi là viêm khí phế quản truyền nhiễm. Viêm khí phế quản mô tả vị trí nhiễm trùng trong khí quản và các ống phế quản.
Các loại vi rút và vi khuẩn chính có thể gây ra hoặc góp phần vào sự phát triển của bệnh ho cũi chó là:
- Bordetella bronchiseptica: Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra bệnh ho cũi chó. Vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên của chó.
- Canine parainfluenza: Còn được gọi là CPIV – một trong những loại vi rút phổ biến nhất gây ra bệnh ho cũi chó.
- Canine adenovirus 2: Còn được gọi là CAV-2 hoặc vi rút viêm thanh quản truyền nhiễm ở chó. Bệnh về đường hô hấp này gây ra bệnh ho cũi và thường lây lan từ chó này sang chó khác khi ho.
2. Tiếng chó ho khi bị bệnh ho cũi nghe như thế nào?
Triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh ho cũi chó là ho dữ dội, ho khan, thường nghe giống như “tiếng ngỗng kêu”, cảm giác như chó bị mắc thứ gì đó trong cổ họng. Ho có thể kèm theo nôn khan, cử động nuốt hoặc sản xuất chất nhầy.
3. Chó bị nhiễm bệnh ho cũi như thế nào?
Hầu hết những con chó mắc bệnh ho cũi đều có khả năng lây nhiễm trước khi chúng bắt đầu có dấu hiệu. Vì điều này, bệnh có thể khó kiểm soát. Nó có thể lây lan nhanh chóng, dẫn đến bùng phát, đặc biệt là ở những gia đình nuôi nhiều chó. Các vi rút, vi khuẩn gây bệnh ho cũi chó cũng khá khỏe mạnh, có thể tồn tại trong môi trường nhiều tuần, khiến việc kiểm soát lây nhiễm trở nên khó khăn hơn.
Chó có thể mắc bệnh ho cũi khi:
- Tiếp xúc gần hoặc trực tiếp (ví dụ liếm hoặc rúc mũi) với những con chó bị nhiễm bệnh
- Hít phải những giọt nước bọt do ho hoặc hắt hơi từ những con chó bị nhiễm bệnh
- Tiếp xúc với những vật dụng bị nhiễm giọt bắn như đồ chơi, giường, tay của người hoặc bát đựng thức ăn, nước uống.
Nguy cơ lây nhiễm ho cũi đặc biệt cao khi chó tiếp xúc gần với những con chó bị nhiễm bệnh khác trong thời gian dài. Nếu bạn nghi ngờ chó của mình mắc bệnh ho cũi, điều quan trọng là phải ngăn chặn bệnh lây lan bằng cách giữ chó tránh xa những con chó khác cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
4. Triệu chứng của bệnh cũi chó
Nếu con chó của bạn tiếp xúc nguồn bệnh, các triệu chứng thường phát triển từ 2-3 ngày sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, có thể mất đến 10 ngày để các triệu chứng phát triển.
Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh ho cũi chó là ho lớn, ho khan có thể kèm nôn. Hầu hết những con chó bị ho cũi sẽ ho khi cổ họng bị cọ xát hoặc sờ nắn. Các triệu chứng phổ biến khác là chảy nước mũi, chảy nước mắt và hắt hơi.
Trong hầu hết các trường hợp ho cũi, chó đều bị bệnh nhẹ và hồi phục hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vi rút, vi khuẩn lây nhiễm và khả năng chống lại chúng của chó, một số con chó có thể phát triển những dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh ho cũi có thể khiến chó chán ăn, thờ ơ, trầm cảm, sốt và ho có đờm, thở khó nhọc. Đây là dấu hiệu của viêm phế quản phổi. Ngay khi bạn nhận thấy các triệu chứng, tốt nhất bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ thú y.
5. Cách điều trị bệnh ho cũi chó
Không có loại thuốc đặc hiệu nào dành cho chó mắc bệnh ho cũi. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh của chó. Hầu hết những con chó bị ảnh hưởng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà và nhanh chóng hồi phục hoàn toàn với sự chăm sóc cơ bản nhằm tránh các tình huống gây ho và kích thích đường thở. Điều này có nghĩa là: Khuyến khích chó nghỉ ngơi, tránh kích động và xích cổ. Những con chó bị bệnh nặng hơn có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (để giảm sốt và viêm) và truyền dịch (để điều trị mất nước).
Thuốc kháng sinh thường không cần thiết hoặc không được khuyến nghị trừ khi có dấu hiệu viêm phổi do vi khuẩn, bao gồm cả bệnh kéo dài hơn 10 ngày. Trong một số ít trường hợp, chó mắc bệnh nặng có thể cần được chăm sóc hỗ trợ tích cực, chẳng hạn như thở oxy.
Ngoài thuốc do bác sĩ thú y kê đơn, đừng cho chó uống bất kỳ loại thuốc ho hoặc cảm lạnh không kê đơn nào của người.
6. Tiêm phòng bệnh ho cũi chó
Tuy đa số các trường hợp ho cũi là bệnh nhẹ nhưng đây là bệnh dễ lây lan và bùng phát. Không những vậy, bệnh ho cũi có thể nghiêm trọng hơn ở chó con dưới 6 tháng tuổi, chó già và chó có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Vì thế, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh ho cũi chó là tiêm vắc xin phòng bệnh. Ho cũi cũng là một trong những loại bệnh truyền nhiễm được chủng ngừa dễ dàng bằng vắc xin kết hợp 5-7 bệnh ở chó. Vắc xin này có hiệu quả cao đối với một số loại vi rút gây bệnh ho cũi và được khuyên dùng cho tất cả các con chó.