Parvo là một loại vi rút nguy hiểm rất dễ lây lan, có thể ảnh hưởng đến tất cả loài chó nhưng chó chưa được tiêm phòng và chó con dưới 5 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Bệnh Parvo ở chó là bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong.
1. Bệnh Parvo ở chó là gì?
Bệnh Parvo ở chó là bệnh do vi rút Parvo gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua miệng hoặc mũi, vi rút sẽ nhân lên và lây lan vào máu. Nó tấn công các tế bào đang phân chia nhanh chóng khắp cơ thể, đặc biệt là tế bào trong tủy xương, mô sản xuất tế bào máu và niêm mạc ruột non.
Vi rút nhân lên trong niêm mạc ruột non gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng và khiến chó tiêu chảy ra máu. Lúc này, vi khuẩn đường ruột bình thường sẽ xâm nhập vào mô bị tổn thương và máu làm bệnh trầm trọng hơn.
Những con chó bị nhiễm bệnh Parvo cũng có thể giảm số lượng tế bào bạch cầu – tế bào bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Điều này khiến cơ thể chó bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn. Vi rút gây ra bệnh Parvo tương tự như bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Hai bệnh gần như giống hệt nhau.
2. Nguyên nhân chó bị nhiễm bệnh Parvo
Nguồn chính của vi rút là phân của chó bị nhiễm bệnh. Vi rút bắt đầu thải ra ngoài theo phân ngay trước khi các dấu hiệu lâm sàng phát triển và tiếp tục được thải ra trong khoảng 14 ngày sau khi các dấu hiệu lâm sàng biến mất.
Những con chó bị nhiễm bệnh Parvo do liếm hoặc hít phải vi rút. Không giống như hầu hết các loại vi rút khác, vi rút Parvo sống rất bền trong môi trường và có khả năng kháng nóng, kháng chất tẩy rửa, cồn và nhiều loại chất khử trùng. Do tính ổn định trong môi trường, vi rút dễ dàng lây truyền qua lông hoặc chân của những con chó bị nhiễm bệnh hoặc trên giày, quần áo và các đồ vật khác mang vi rút. Không cần phải tiếp xúc trực tiếp giữa những con chó với nhau thì mới bị lây nhiễm.
3. Dấu hiệu chó bị Parvo
Thông thường chó bị nhiễm bệnh Parvo có dấu hiệu lâm sàng trong vòng 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn vi rút (có thể dao động trong vòng 2-14 ngày).
Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh Parvo ở chó có thể khác nhau nhưng nhìn chung bao gồm nôn mửa và tiêu chảy nặng.
- Tiêu chảy thường có mùi nồng, có thể chứa nhiều chất nhầy và có thể có (hoặc không) có máu.
- Chán ăn, bơ phờ, trầm cảm rõ rệt và sốt.
Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều con chó có thể không biểu hiện mọi dấu hiệu lâm sàng, nhưng nôn mửa và tiêu chảy là những dấu hiệu phổ biến và nhất quán nhất. Nôn thường bắt đầu trước tiêu chảy.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực kịp thời, chó có thể hồi phục trong vòng vài ngày. Hầu hết những con chó sống sót sau 3-4 ngày đầu tiên của bệnh đều có khả năng hồi phục rất cao. Tuy nhiên, trong trường hợp các dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng và chỉ được phát hiện khi đã nhiễm trùng nghiêm trọng, cho có thể chết trong vòng vài giờ sau khi bắt đầu có dấu hiệu bệnh.
4. Điều trị chó bị nhiễm bệnh Parvo như thế nào?
Không có cách điều trị nào để tiêu diệt vi rút một khi nó lây nhiễm cho chó. Tuy nhiên, vi rút không trực tiếp gây tử vong. Thay vào đó, nó làm mất niêm mạc đường ruột và làm suy yếu hệ thống miễn dịch bằng cách ảnh hưởng đến số lượng bạch cầu. Tổn thương đường ruột dẫn đến mất nước nghiêm trọng, mất cân bằng điện giải (Natri và Kali) và nhiễm trùng trong máu (nhiễm trùng máu). Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn thường sống trong đường ruột có thể xâm nhập vào máu. Nếu nhiễm trùng máu phát triển, chó có nhiều khả năng sẽ chết.

- Bước đầu tiên trong điều trị bệnh Parvo ở chó là điều chỉnh tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải. Điều này đòi hỏi phải truyền dịch tĩnh mạch có chứa chất điện giải.
- Trong trường hợp nặng, có thể truyền huyết tương.
- Thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm được dùng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát nhiễm trùng máu và các nhiễm trùng thứ phát khác do vi khuẩn.
- Thuốc chống nôn được sử dụng để ức chế tình trạng nôn mửa kéo dài.
5. Chó ở độ tuổi nào dễ bị nhiễm bệnh Parvo?
Parvo có thể ảnh hưởng đến chó ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những con chó chưa được tiêm phòng dưới 1 tuổi. Chó con dưới 5 tháng tuổi thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất và khó điều trị.
Bất kỳ con chó con nào chưa được tiêm phòng có biểu hiện nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng nên được xét nghiệm vi rút Parvo.
6. Cách chữa bệnh Parvo ở chó tại nhà
Chó bị nhiễm Parvo nên được điều trị tại phòng khám hoặc bệnh viện cho đến khi có chỉ định tiếp tục chăm sóc tại nhà của bác sĩ thú y.
Tại nhà, chủ nuôi nên thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi những con chó khác (nếu có) và khử trùng kỹ lưỡng môi trường sống. Sự ổn định của vi rút Parvo trong môi trường khiến việc khử trùng đúng cách vô cùng cần thiết.
Tại Việt Nam, chất khử trùng hiệu quả mà chủ nuôi dễ dàng mua được là thuốc tẩy Clo. Pha loãng 133ml thuốc tẩy Clo với 4l nước. Sau đó, dùng dung dịch pha loãng để khử trùng bát đựng thức ăn, nước uống và các vật dụng bị nhiễm bẩn khác. Phải sử dụng thuốc tẩy Clo (hoặc Peroxygen, Kali Peroxymonosulfate hoặc chất khử trùng Hydro Peroxide) vì hầu hết các chất khử trùng, ngay cả những chất được cho là có hiệu quả chống lại vi rút, sẽ không tiêu diệt được vi rút Parvo ở chó.
7. Bệnh Parvo ở chó có lây sang người không?
Hiện tại, không có bằng chứng y khoa nào cho thấy vi rút Parvo ở chó có thể lây truyền sang người hoặc mèo.
8. Tiêm phòng Parvo cho chó
Tiêm phòng là phương pháp tốt nhất để bảo vệ chó của bạn khỏi bị nhiễm vi rút Parvo. Vắc xin Parvo là một trong những vắc xin cốt lỗi và là một phần của mũi tiêm kết hợp 5 bệnh hoặc 7 bệnh nguy hiểm trên chó. Điều này có nghĩa là: Bạn không cần phải tiêm riêng lẻ vắc xin Parvo mà chỉ cần cho chó tiêm vắc xin kết hợp 5-7 bệnh là có thể tạo kháng thể miễn dịch.
Cho đến khi chó đã được tiêm phòng đầy đủ, chủ nuôi nên thận trọng khi đưa thú cưng của mình đến những nơi tập trung nhiều chó như spa cho thú cưng, cà phê thú cưng,… và không để chó đi chơi ngoài đường.
Tại Thú Y Tên Lửa, vắc xin kết hợp 5-7 bệnh cho chó bao gồm: Bệnh Parvo, bệnh Carré, bệnh viêm gan truyền nhiễm, bệnh ho cũi, bệnh phó cúm, bệnh do Leptospria, bệnh do Coronavirus (hoặc bệnh dại, tùy theo hãng sản xuất). Bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết này: Phân biệt vắc xin 5 bệnh và vắc xin 7 bệnh cho chó.